Trường THPT Tenlơman (Ernst Thälmann)

Tên giao dịch (tiếng Anh):
8 Tran Hung Dao Street, Pham Ngu Lao Ward, District 1, Hochiminh City
Tên viết tắt:
https://thetamtru.com.vn/cap-moi-the-tam-tru-cho-nguoi-nuoc-ngoai/
Ngành nghề chính:
Đôi nét về trường THPT Ernst Thälmann
Trường Trung học Phổ thông Ernst Thälmann tọa lạc tại địa chỉ: Số 8, đường Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Trường Trung học Phổ thông Ernst Thälmann trước đây từng là nơi xuất phát phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước đầu tiên của nhân dân Miền Nam ở thời điểm năm 1950. Trong chặng đường lịch sử đấu tranh chống xâm lăng của nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn, tính từ ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-2-1930) đến ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) không thể quên được đỉnh cao của cuộc đấu tranh của nhân dân ở đây với phong trào chống Mỹ đầu tiên nổ ra tại sân trường Tôn Thọ Tường (nay là trường THPT Ernst Thälmann) vào ngày 19-3-1950.Phát huy truyền thống vẻ vang và tự hào của mái trường thân yêu này, từ nhiều thập kỷ qua, trường đã phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt để tô thắm cho trang sử vàng ngày càng thêm rực rỡ.


I. LỊCH SỬ VỀ TRƯỜNG THPT ERNST THÄLMANN
Cuối năm 1949 đầu 1950, thực dân Pháp thất bại trong chủ trương “chia để trị” nên chuyển sang thủ đoạn mới: “dùng người Việt đánh người Việt” bằng cách lập ra Chính phủ Quốc gia Việt Nam (một chính phủ tay sai của thực dân Pháp) do Bảo Đại cầm đầu. Từ đó, phong trào của trí thức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân lên cao chống lại Chính phủ Bảo Đại ra lệnh bắt lính, mà đối tượng là học sinh, sinh viên để lập ra quân đội chống lại Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày 9-1-1950, hàng ngàn học sinh, sinh viên với sự phối hợp, tham gia của các đại biểu, các giáo sư, bác sĩ đã tổ chức cuộc biểu tình kéo dài đến Nha học chánh Nam Phần (nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh) phản đối việc chính quyền tay sai của thực dân Pháp đóng cửa trường học, khủng bố học sinh, đòi bảo vệ an ninh và trả tự do cho học sinh tham gia phong trào yêu nước đang bị bắt giữ. Thực dân Pháp đã đàn áp phong trào dã man làm cho 30 học sinh bị thương nặng trong đó có Trần Văn Ơn, học sinh trường Pétrus Ký (nay Lê Hồng Phong) bị sát hại. Ngay sau khi cuộc đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn bị đàn áp đẫm máu, nhất là sau đám tang “trò Ơn”, đồng bào các giới ở Sài Gòn – Chợ Lớn càng căm thù thực dân Pháp và tay sai, nhiều phong trào đấu tranh nổ ra như như không họp chợ, học sinh nghỉ học, công nhân đình công…đã biến Sài Gòn bấy giờ thành một thành phố chết. Ngày 9-1-1950 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và sau này trở thành ngày “Truyền thống đấu tranh của học sinh, sinh viên toàn quốc”.

Cũng từ tháng 1-1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam có những bước phát triển mới. Để đối phó với việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ và Anh công nhận Chính phủ Quốc gia của Bảo Đại (Chính phủ tay sai của thực dân Pháp) từ 7-2-1950. Để tạo thanh thế cho Chính phủ Bảo Đại, ngày 23-2-1950, một phái đoàn kinh tế Mỹ do A. Griffin cầm đầu đến Sài Gòn, tiếp theo là đoàn khảo sát tình hình của đại tá Jessupp đến Đông Dương gặp Bảo Đại. Ngày 14-3-1950, Tư lệnh Hạm đội Mỹ, đô đốc Russel S. Berkey đi trên soái hạm Stickell cùng với khu trục hạm Andreson đến cảng Sài Gòn nhằm biểu dương lực lượng, uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam bằng việc xúc tiến kế hoạch thao diễn lực lượng Hạm đội 7 Thái Bình Dương, dọc ven biển Trung Bộ Việt Nam.

Nhằm đánh phủ đầu can thiệp Mỹ bằng đòn phối hợp đấu tranh quân sự và chính trị, hừng sáng chủ nhật ngày 19-3-1950, khi mặt trời chưa lên, đèn điện chưa tắt, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, 120.000 đồng bào ở đây đã xuống đường biểu tình. Bên cạnh nhiều địa điểm tập hợp, trường tiểu học Tôn Thọ Tường (nay Ernst Thälmann) được chọn làm diễn đàn công khai chống can thiệp Mỹ bằng cuộc tuần hành thị uy của quần chúng. Dòng người như thác đổ từ địa điểm ban đầu tràn ra các đại lộ chính của thành phố như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Trên đường tuần hành số người mỗi lúc một đông, chẳng bao lâu đoàn biểu tình đã lên đến 250.000 người. Trong cuộc mít-tinh hôm ấy, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đến tham dự và nói chuyện với đồng bào. Mặc dù thực dân Pháp và tay sai ra sức đàn áp, khủng bố, nhưng cuộc biểu tình càng lúc càng dâng cao như vũ bão.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 19-3-1950, trên tầng lầu thứ 3 của trường Tôn Thọ Tường, Tổ xung kích Thanh niên đã nhanh chóng kéo cao lá cờ đỏ sao vàng to lớn bằng lụa, đẹp, phất phới bay lộng giữa bầu trời thành phố rực nắng ban mai. Đồng bào giương cao cờ đỏ sao vàng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và bọn bù nhìn tay sai!”, “Phản đối Mỹ can thiệp vào Việt Nam!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”…Ảnh Bảo Đại, cờ vàng ba sọc đỏ, cờ Pháp và cờ Mỹ bị hạ xuống trên những đường có đoàn biểu tình đi qua. Tại bến cảng, đoàn biểu tình rượt đuổi lính Mỹ, làm chúng hoảng sợ bỏ chạy lên tàu và buộc nhà cầm quyền thực dân phải tăng cường cảnh sát, quân đội, hiến binh…Cuộc biểu tình ngày 19-3-1950 thắng lợi, buộc Mỹ phải hủy bỏ cuộc thao diễn thủy quân như đã dự tính và hai tàu chiến Mỹ phải vội vã nhỏ neo ngay trong đêm hôm đó.

Ngày 19-3-1950 đã trở thành “Ngày toàn quốc chống Mỹ” của nhân dân Việt Nam. Ngày mà thầy trò trường Ernst Thälmann đáng ghi nhớ tinh thần chống can thiệp và xâm lược Mỹ được quy tụ từ nơi đây. Tiếp theo những thời điểm lịch sử ấy, tuổi trẻ thành phố hòa cùng toàn dân luôn giữ vững truyền thống đấu tranh cho tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.



II. LƯỢC SỬ TÊN TRƯỜNG QUA CÁC THỜI KỲ

Với những thắng lợi qua các giai đọan đấu tranh chống ngoại xâm, cùng với những bước thăng trầm của đất nước, những biến cố chính trị, trường Ernst Thälmann lần lượt thay đổi tên qua các thời kỳ. So với trường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học thuộc Quận 1, cùng nằm trên đại lộ mang tên vị danh tướng Việt Nam Trần Hưng Đạo, đây cũng là nét đặc biệt của trường :

– Trước năm 1954, trường mang tên Tôn Thọ Tường (nhà thơ – làm việc cho thực dân Pháp).

– Từ năm 1954 đến 1962, trường mang tên Phan Văn Trị (nhà thơ yêu nước thế kỷ XIX).

– Từ năm 1962 đến 1979, trường mang tên Cô Giang (vị anh thư trong cao trào đấu tranh chống thực dân ở những năm 1928-1930) .

– Đến ngày 8-3-1979, theo Quyết định số 840/QĐ/UB của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh, trường chính thức được mang tên vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Đức, đồng thời cũng là nhà họat động lỗi lạc trong Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế nửa đầu thế kỷ XX – trường Ernst Thälmann, là trường kết nghĩa với trường Hồ Chí Minh của thành phố Leipzig, Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước đây.



III. TIỂU SỬ DANH NHÂN

1. Tôn Thọ Tường (1825 -1877)

Tôn Thọ Tường là người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

– Ông sinh năm 1825, mất năm 1877 tại huyện Bình Dương

– Thân phụ là Tôn Thọ Đức đỗ cử nhân, làm quan dưới triều Thiệu Trị, Tự Đức. Ngay từ thời trẻ, Tôn Thọ Tường học ở Huế, nổi tiếng văn hay chữ tốt.

– Năm 1840, thân phụ qua đời, nên việc học ông bị dở dang, đến năm 30 tuổi vẫn chưa đỗ đạt gì.

– Năm 1855 ông được tập ấm làm quan.

– Sau khi thành Vĩnh Long thất thủ, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông ra giúp chính phủ Pháp làm tri phủ Tân Bình, trấn nhậm Sài Gòn.

– Năm 1863, ông được cử làm ký lục trong phái bộ của Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha mong chuột lại ba tỉnh đã mất.

– Được giao nhiệm vụ thảo các hòa ước giữa chính chiều Nguyễn với Pháp. Ông cố dùng những danh từ rộng nghĩa để gây trở ngại cho Pháp.

– Năm 1868, ông được giao nhiệm vụ xử án vụ người bản xứ. Nhờ thế người Việt được vô tội.

“Ra làm quan được hơn 15 năm, Tôn vẫn nghèo như xưa”.

– Năm 1874, ông lại lãnh một vai quan trọng giữa cuộc giao hảo Pháp – Nam.

– Tháng 5/1875. Tòa án Chợ Lớn lên án xử Bùi Văn Đạt về tội theo Thủ Khoa Huân làm loạn. Ông đứng ra bảo lãnh và xin ân xá cho Đạt. Nhiều người Pháp đã nâng cao giá trị của Tôn Thọ Tường vì họ biết rõ phương châm hành động của ông là ”phận sự”.

– Ngoài một quan lại, ông là nhà thơ có tài được thể hiện qua một số bài thơ có hình tượng nghệ thuật như: Đĩ già ra tù, Từ Thứ qui Tào, Cây Mai…

– Trong thâm tâm ông tha thiết mong mỏi cho những công trình chính đáng mà âm thầm của mình sẽ giúp ích đôi chút cho quê hương.



2. Phan Văn Trị (1830 – 1910)

– Phan Văn Trị quê làng Hưng Thạnh, tổng Bảo An, tỉnh Bến Tre (nay thuộc huyện Giồng Trôm, tinh Bến Tre) sau về cư ngụ ở làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang).

– Nhà thơ chào đời đúng vào ngày thế kỷ sụp đổ của chế độ phong kiến Việt Nam.

– Năm Kỷ Dậu 1849 ông đỗ Cử nhân (20 tuổi). Cảm thời cuộc rối ren ông không ra làm quan, sống đạm bạc ở làng Bình Cách (Tân An). Vợ là: Huỳnh Thị Nhu, Đinh Thị Thanh.

– Khi giặc Pháp xâm chiếm Gia Định, ông cùng các sĩ phu yêu nước đã xướng phong trào “Tị Địa”, lui về vùng đồng bằng sông Cửu Long, tích cực cổ động nhân dân ủng hộ các nhóm kháng chiến. Thời gian ở Vĩnh Long ông tới lui hợp tác với Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Hồ Huấn Nghiệp… Đến lúc giặc Pháp chiếm miền Tây, ông dời về Phong Điền, Cần Thơ ở ẩn dạy học, giao du với Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, cảm hóa Cai tổng Lê Quang Chiểu bỏ quan, giữ tiết tháo trong thời mất nước.

– Nhà thơ đóng vai trò lớn trong dòng văn học yêu nước ở Nam Bộ nữa sau thế kỉ XIX. Thơ văn ông nay còn lưu truyền rất nhiều, đầy tính chiến đấu, thanh cao, có khí tiết. Lòng yêu nước chan chứa trong bì phú “Thất Thủ Gia Định” và bài thơ “Thất Thủ Vĩnh Long”. Phan Văn Trị đã lên tiếng cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc vùng dậy quật khởi.

– Năm 1910 ông mất, thọ 80 tuổi, phần mộ nay còn ở huyện Phong Điền – Thành phố Cần Thơ.



3. Cô Giang (… – 1930)

– Cô Giang (…–1930), là tên gọi phổ biến của bà Nguyễn Thị Giang – nữ Đảng viên (Việt Nam Quốc dân đảng). Là con của một nhà nho ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Điều lệ Việt Nam Quốc dân đảng không kết nạp phụ nữ vào đảng nhưng Nguyễn Thị Giang là trường hợp đặc biệt.

– Bà có hai chị là Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Tỉnh sau đều là Đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng trong chi bộ Bắc Giang.

– Năm 1929, bà gặp ông Nguyễn Thái Học, rồi hai bên yêu nhau và bà trở thành người thân tín nhất của Nguyễn Thái Học.

– Cô Giang là nữ liên lạc tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, liên lạc giữa các cơ sở Đảng các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Yên… từ đó lập nên binh đoàn Yên Bái, binh đoàn này làm nên tổng khởi nghĩa đêm 9 rạng sáng 10- 2-1930.

– Sau khi cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quốc dân đảng thất bại ngày 17-6-1930, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông bị Pháp giết ở Yên Bái. Bà đến tận pháp trường để chứng kiến cái chết anh dũng của vị hôn phu và các đồng chí. Sau khi Nguyễn Thái Học lên máy chém, cùng ngày bà quay về làng Đồng Vệ, tỉnh Vĩnh Yên (quê Nguyễn Thái Học). Bà về nhà trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh một để cho mẹ, một để cho đồng chí rồi dùng súng lục mà Nguyễn Thái Học đã giao để tự sát.

– Một chiến sĩ vô danh thời đó đã vịnh bài thơ tặng bà:

Sống nhục sao bằng sự thác vinh

Nước non cho vẹn kiếp chung tình

Lưỡi dao xử tử chàng không ngại

Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng đành

Một tấm can tràng trời đất thảm

Ngàn thu vẹn tiết quỷ thần kinh

Cuộc đời xá kể chi thành bại

Trai đã hung thì gái phải trinh./.
Fax:
8 Đ. Trần Hưng Đạo, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Gởi tin nhắn cho Chủ sở hữu công ty