Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, ngày 29/5/2020 vừa qua, Chính Phủ vừa ban hành nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo nghị quyết số 84/NQ-CP, Chính Phủ đề ra nhiệm vụ, giải pháp sau:
– Cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm cấm phân biệt, kỳ thị người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
– Gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính Phủ cũng đề nghị Bộ công an Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế áp dụng thủ tục nhập cảnh cho đối tượng này; Đồng thời Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội cần hướng dẫn các cơ quan trực thuộc thực hiện việc cấp giấy phép lao động mới, gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kĩ thuật là người nước ngoài. Xem thêm thủ tục làm thẻ tạm trú
Riêng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp hoặc dự án hoạt động thì trong vòng 03 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc doanh nghiệp, kèm theo danh sách nhập cảnh vào Việt Nam (với các thông tin về: tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, vị trí công tác, thời gian dự kiến vào Việt Nam, thời gian và địa điểm lưu trú, số Giấy phép lao động (nếu có), cửa khẩu nhập cảnh vào Việt Nam) phải có văn bản trả lời, đồng thời gửi: cơ quan nhập cảnh (Công an hoặc Quốc phòng) nơi cửa khẩu dự kiến nhập cảnh để xem xét cho phép nhập cảnh; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự kiến nhập cảnh và nơi cách ly để phối hợp, hỗ trợ và giám sát việc cách ly. Các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật được nhập cảnh phải thực hiện việc cách ly tập trung dưới sự giám sát của chính quyền, cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly. Chính quyền địa phương nơi chuyên gia làm việc phải giám sát về y tế trong thời gian quy định đối với các chuyên gia hết thời gian cách ly về làm việc tại địa bàn.
Hy vọng với chính sách này sẽ góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế, để thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã được Quốc hội đề ra trước đây.