BỘ NGOẠI GIAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2016/TT-BNG |
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2016 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC CẤP THỊ THỰC, GIA HẠN TẠM TRÚ, CẤP THẺ TẠM TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BỘ NGOẠI GIAO
Căn cứ Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 58/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 64/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư hướng dẫn thủ tục cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.
(Click xem các thẻ “Chương I, II…” để xem chi tiết từng chương, từng điều khoản)
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao quản lý quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật Xuất nhập cảnh).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với người nước ngoài thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC CẤP THỊ THỰC, GIA HẠN TẠM TRÚ, CẤP THẺ TẠM TRÚ
Điều 3. Thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú
1. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (sau đây gọi tắt là Cục Lãnh sự) tiếp nhận và giải quyết đề nghị/thông báo cấp thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh.
2. Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao (sau đây gọi tắt là Cục Lễ tân Nhà nước) tiếp nhận và giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh (trừ thành viên cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên này).
3. Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao (sau đây gọi tắt là Sở Ngoại vụ TP. HCM):
a) Tiếp nhận và giải quyết đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh tại các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng trở vào phía Nam.
b) Tiếp nhận và giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài là thành viên cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên này;
4. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:
a) Tiếp nhận hồ sơ thông báo/đề nghị cấp thị thực theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi tắt là hộ chiếu), tờ khai đề nghị cấp thị thực (theo mẫu NA1 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam - sau đây gọi tắt là Thông tư 04/2015/TT-BCA) của người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh để chuyển thông tin cho Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM giải quyết theo thẩm quyền.
b) Cấp thị thực cho người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh theo thông báo của Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.
Điều 4. Thủ tục giải quyết đề nghị/thông báo cấp thị thực
1. Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 15 của Luật Xuất nhập cảnh trực tiếp gửi hồ sơ thông báo/đề nghị cấp thị thực cho Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.
Bộ Ngoại giao (hoặc cơ quan khác theo quy định của nước cử) của nước có người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp thị thực, cùng với hộ chiếu và tờ khai đề nghị cấp thị thực (theo mẫu NA1ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA) của người nước ngoài liên quan cho cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại hoặc nước kiêm nhiệm.
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ giấy tờ trên chuyển thông tin cho Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM để giải quyết thông báo/đề nghị cấp thị thực theo thẩm quyền.
2. Hồ sơ thông báo/đề nghị cấp thị thực, gồm:
a) Văn bản hoặc công hàm thông báo/đề nghị cấp thị thực, trong đó nêu rõ: họ tên, ngày sinh, quốc tịch, giới tính, số và ký hiệu hộ chiếu, ngày cấp - hết hạn của hộ chiếu, nghề nghiệp, chức vụ, Mục đích nhập cảnh, thời hạn thị thực, loại thị thực và nơi nhận thị thực của người nước ngoài.
b) Trường hợp người nước ngoài là người vào thăm thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản 2 của Điều này, cần bổ sung 01 bản chụp chứng minh thư của thành viên cơ quan đại diện liên quan.
c) Trường hợp người nước ngoài là nhân viên hợp đồng làm việc tại cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản 2 của Điều này, cần bổ sung 01 bản sao hợp đồng lao động hợp lệ.
d) Trường hợp người nước ngoài thuộc diện tăng biên chế của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản 2 của Điều này, cần bổ sung công hàm của Bộ Ngoại giao nước cử thông báo về việc tăng biên chế.
3. Giải quyết thông báo/đề nghị cấp thị thực:
a) Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc cấp thị thực cho người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 của Luật Xuất nhập cảnh trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Cục Lãnh sự có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục Lễ tân Nhà nước và đơn vị liên quan trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Luật Xuất nhập cảnh. Sau khi nhận đủ văn bản trả lời của Cục Lễ tân Nhà nước và đơn vị liên quan, đồng thời Cục Quản lý xuất nhập cảnh không có ý kiến, Cục Lãnh sự trả lời cơ quan, tổ chức đề nghị cấp thị thực, đồng thời thông báo cho cơ quan cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc cấp thị thực cho người nước ngoài.
c) Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 4 Điều 8 của Luật Xuất nhập cảnh.
Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM trả lời cơ quan, tổ chức đề nghị cấp thị thực, đồng thời thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc cấp thị thực cho người nước ngoài sau 02 ngày làm việc kể từ khi thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh nếu cơ quan này không có ý kiến.
d) Thông báo của Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc cấp thị thực cho người nước ngoài gồm các thông tin sau: họ tên, ngày sinh, quốc tịch, giới tính, số và ký hiệu hộ chiếu, ngày cấp - hết hạn của hộ chiếu, nghề nghiệp, chức vụ, Mục đích nhập cảnh, thời hạn thị thực, loại thị thực, nơi nhận thị thực của người nước ngoài, và thông tin khác (nếu cần).
4. Thực hiện cấp thị thực:
a) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực cho người nước ngoài trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này, hộ chiếu và tờ khai đề nghị cấp thị thực (theo mẫu NA1 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA) của người nước ngoài.
b) Trường hợp người nước ngoài được duyệt cấp thị thực tại cửa khẩu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này thông báo cho cơ quan, tổ chức thông báo/đề nghị cấp thị thực về việc người nước ngoài được nhận thị thực tại cửa khẩu.
5. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định hoặc ủy quyền cho Cục trưởng Cục Lãnh sự quyết định việc áp dụng có đi có lại với phía nước ngoài về thời hạn xử lý hồ sơ cũng như thành phần hồ sơ đề nghị cấp thị thực, phù hợp với Luật Xuất nhập cảnh.
Điều 5. Thủ tục giải quyết đề nghị gia hạn tạm trú
1. Người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2 và NG4, sau khi nhập cảnh Việt Nam nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú thì cần thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam gửi hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.
2. Hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú:
a) Văn bản hoặc công hàm thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú, trong đó nêu rõ: họ tên, ngày sinh, quốc tịch, giới tính, số và ký hiệu hộ chiếu, ngày cấp - hết hạn của hộ chiếu, nghề nghiệp, chức vụ, Mục đích nhập cảnh, thời hạn đề nghị gia hạn tạm trú và nhu cầu được cấp thị thực mới (nếu có) của người nước ngoài.
b) Hộ chiếu của người nước ngoài còn giá trị sử dụng trên 30 ngày so với thời gian xin gia hạn tạm trú.
c) Tờ khai đề nghị cấp thị thực, đề nghị gia hạn tạm trú (theo mẫu NA5 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA), có xác nhận và dấu của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài.
d) Đối với người nước ngoài vào Việt Nam thăm thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì kèm theo 01 bản chụp chứng minh thư của thành viên cơ quan đại diện này do Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM cấp.
e) Đối với người nước ngoài là nhân viên hợp đồng đang làm việc tại cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì kèm theo 01 bản sao hợp đồng lao động hợp lệ.
3. Giải quyết đề nghị gia hạn tạm trú:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 của Điều này, Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM xem xét gia hạn tạm trú và cấp thị thực mới (nếu cần) cho người nước ngoài.
b) Thời hạn tạm trú được gia hạn và thời hạn thị thực mới được cấp (nếu có) phù hợp với Mục đích nhập cảnh và đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và có thời hạn không quá 12 tháng, ngắn hơn thời hạn hộ chiếu của người nước ngoài ít nhất 30 ngày.
c) Đối với những người được quy định tại Điểm d Khoản 2 của Điều này, thời gian tạm trú được gia hạn và thị thực mới được cấp (nếu có) phù hợp với quy định tại Điểm b Khoản 3 của Điều này và phù hợp với thời hạn chứng minh thư của thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam do Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM cấp.
4. Người nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam theo diện miễn thị thực thuộc diện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 8 của Luật Xuất nhập cảnh được Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM xem xét gia hạn tạm trú một hoặc nhiều lần với thời hạn cho mỗi lần gia hạn không dài hơn thời hạn tạm trú đã được cấp trước đó trên cơ sở hồ sơ nộp theo quy định tại Khoản 2 Điều này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
5. Cục trưởng Cục Lãnh sự quyết định việc gia hạn tạm trú và cấp thị thực mới (nếu cần) đối với người nước ngoài thuộc diện quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 8 của Luật Xuất nhập cảnh đã nhập cảnh Việt Nam bằng thị thực SQ.
6. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định hoặc ủy quyền cho Cục trưởng Cục Lãnh sự quyết định việc áp dụng có đi có lại với phía nước ngoài trong việc gia hạn tạm trú cho người nước ngoài, phù hợp với Luật Xuất nhập cảnh.
Điều 6. Thủ tục giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú
1. Cơ quan mời, bảo lãnh người nước ngoài quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Luật Xuất nhập cảnhnộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 3 Thông tư này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú gồm:
a) Công hàm đề nghị cấp thẻ tạm trú của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, trong đó ghi rõ các thông tin: họ tên, ngày sinh, quốc tịch, giới tính, số và ký hiệu hộ chiếu, nghề nghiệp, chức vụ của người đề nghị cấp thẻ tạm trú (tham khảo mẫu NA6 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA);
Đối với trường hợp thay biên chế hoặc bổ sung biên chế mới của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì công hàm đề nghị cấp thẻ tạm trú cần ghi rõ họ tên, chức danh của người được thay biên chế hoặc người được bổ sung biên chế;
b) Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú (theo mẫu NA8 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA), có xác nhận của người có thẩm quyền và dấu của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam;
c) Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người nước ngoài;
d) Trường hợp người nước ngoài thuộc diện tăng biên chế của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 của Điều này, cần bổ sung công hàm của Bộ Ngoại giao nước cử thông báo về việc tăng biên chế.
3. Giải quyết cấp thẻ tạm trú:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM xem xét cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
4. Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, có thời hạn không quá 05 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
Thẻ tạm trú hết giá trị sử dụng được xem xét giải quyết cấp thẻ tạm trú mới theo đề nghị của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
5. Cục Lễ tân Nhà nước và Sở Ngoại vụ TP. HCM thực hiện chuyển danh sách người được cấp thẻ tạm trú cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định của Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 64/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
6. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định hoặc ủy quyền cho Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước quyết định việc áp dụng có đi có lại với phía nước ngoài về thời hạn xử lý hồ sơ cũng như thành phần hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú, phù hợp với Luật Xuất nhập cảnh.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Điều Khoản chuyển tiếp
1. Thị thực, chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú còn thời hạn được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn của thị thực, chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú đã được cấp.
2. Hồ sơ đề nghị cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa được giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao giải quyết theo quy định tại Thông tư này.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Cục Lãnh sự có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan liên quan thực hiện việc cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo Thông tư này.
b) Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tình hình cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo Thông tư này.
2. Cục Lễ tân Nhà nước có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan liên quan về thủ tục cấp thẻ tạm trú theo Thông tư này.
b) Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về tình hình cấp thẻ tạm trú theo Thông tư này.
3. Sở Ngoại vụ TP. HCM có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm về việc cấp thị thực, gia hạn tạm trú cho Cục Lãnh sự; về việc cấp thẻ tạm trú cho Cục Lễ tân Nhà nước.
4. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm:
a) Cấp thị thực theo thông báo của Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.
b) Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm về việc cấp thị thực cho người nước ngoài thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao quản lý cho Cục Lãnh sự.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
Cục trưởng Cục Lãnh sự, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. HCM và Thủ trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, các cơ quan liên quan báo cáo về Bộ Ngoại giao (qua Cục Lãnh sự đối với thủ tục cấp thị thực và gia hạn tạm trú; qua Cục Lễ tân Nhà nước đối với thủ tục cấp thẻ tạm trú) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Vũ Hồng Nam |
Bài viết liên quan: